Cấp giấy phép xây dựng: Luật “gỡ”, địa phương vẫn “buộc”

  • Home
  • Cấp giấy phép xây dựng: Luật “gỡ”, địa phương vẫn “buộc”
  • 13/01/2021
  • Realestat_Admin
  • Thủ Tục Pháp Lý
  • 274 view

Cấp giấy phép xây dựng: Luật “gỡ”, địa phương vẫn “buộc”

Chia sẻ :

Cấp giấy phép xây dựng: Luật “gỡ”, địa phương vẫn “buộc”

Theo quy định, việc cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ mất 15 ngày làm việc, nhưng khi được hỏi về vấn đề đi xin giấy phép, nhiều người ngao ngán lắc đầu thở dài vì gặp quá nhiều rắc rối, nhiêu khê.

Thậm chí, đã có không ít người phải chấp nhận xây dựng trái phép rồi nộp phạt, như trường hợp của ông Hồ Văn Tùng, hiện đang ngụ tại đường 43, phường Tân Quy, quận 7 (TP.HCM). Năm 2019, con trai lớn của ông cưới vợ nên gia đình muốn xây dựng lại căn nhà lên 4 tầng cho thuận tiện sinh hoạt. Nhưng sau hơn 3 tháng chạy lên chạy xuống để xin giấy phép xây dựng vẫn không được, cuối cùng, ông và gia đình chọn phương án xây dựng khi chưa được cấp phép. Công trình mới xây xong phần móng, thanh tra xây dựng đã xuống làm việc và xử phạt ông 20 triệu đồng về hành vi xây dựng không có giấy phép.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Tùng cho biết, quận 7 từng được TP.HCM chọn để thí điểm thực hiện rút gọn quy trình cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ từ 15 ngày xuống còn 3 ngày. Tuy nhiên, khi người dân đi làm thủ tục thì vẫn gặp phải không ít phiền hà, phải bổ sung hồ sơ liên tục.

“Quy định là sẽ cấp giấy phép xây dựng trong 3 ngày, nhưng thời gian chạy lên chạy xuống để bổ sung giấy tờ có khi phải mất 3 tháng hoặc hơn”, ông Tùng nói.

Trên thực tế, trường hợp của gia đình ông Tùng chỉ là một trong hàng trăm vụ việc liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng, bởi xây dựng không phép, sai phép từng xảy ra tràn lan khắp TP.HCM. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, năm 2019, mỗi ngày có gần 10 vụ xây dựng trái phép, trong đó có cả những công trình biệt thự, khách sạn 5 - 6 sao. Đến năm 2020, số trường hợp vi phạm đã có chiều hướng giảm, bình quân mỗi ngày có 1,9 vụ vi phạm.

Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng thường diễn ra phần lớn tại các quận, huyện vùng ven như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, Thủ Đức..., vốn là những khu vực đô thị hóa nhanh và có lượng người nhập cư nghèo lớn.

Với việc nhiều công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 vừa qua, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng sẽ bớt được những “đoạn trường” xin giấy phép, đồng thời tình trạng xây dựng không phép, sai phép sẽ bớt dần.

Cụ thể, theo Luật Xây dựng mới, những công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.

Tuy nhiên, chính sách trên có thể sẽ khó được áp dụng tại TP.HCM, bởi theo giải thích của ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TP.HCM là đô thị đặc biệt, định hướng là đô thị hết nên những đối tượng miễn cấp phép vẫn phải yêu cầu cấp phép để đảm bảo mật độ về độ cao, khoảng lùi. Nếu không quản lý sẽ dễ phát sinh các vấn đề về xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến tình trạng biến tướng thành nhà xưởng hay một giấy phép xây nhiều căn nhà rồi bán theo hình thức đồng sử dụng.

“Như huyện Bình Chánh có đặc thù là nông thôn nhưng tốc độ đô thị hóa rất cao nên áp dụng quy định này sẽ nảy sinh vướng mắc. Quan điểm của Bình Chánh vẫn phải xem xét phù hợp với mục đích sử dụng đất mới giải quyết cấp phép xây dựng”, ông Tài cho biết.

Tương tự, một vị lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè cũng cho rằng, mặc dù là huyện gắn với địa giới hành chính là cấp xã, nhưng quy chuẩn xây dựng yêu cầu ngoại thành đô thị vẫn phải quản lý như đô thị. Chính vì vậy, địa phương này đang áp dụng Quyết định 29, Quyết định 26 của Thành phố để cấp phép xây dựng.

“Huyện Nhà Bè chưa có khu vực nào được miễn cấp phép xây dựng. Bản chất TP.HCM là đô thị đặc biệt, quy hoạch phát triển là đô thị và thực tế, các chỉ tiêu của huyện đang phấn đấu để lên quận, nên hiện nay việc quản lý về cấp phép xây dựng cũng theo tiêu chí của một quận”, vị này cho hay.

Câu chuyện Luật Xây dựng đã “gỡ” nhưng một số địa phương tại TP.HCM vẫn “buộc” xin phép này đang rất cần lời giải thích thống nhất từ chính quyền Thành phố.

Theo Việt Dũng (Đầu tư bất động sản)

Bất động sản nổi bật

Tốc Độ - Minh Bạch - Chuyên Nghiệp

Liên kết